Lịch sử Nghề nhiếp ảnh Lai Xá

Ông tổ làng nghề

Bài chi tiết: Nguyễn Đình Khánh
Nguyễn Đình Khánh

Lịch sử của làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá được xem là bắt nguồn từ Nguyễn Đình Khánh, một người có dòng dõi vốn là nông thôn ở làng Lai Xá. Khi Nguyễn Đình Khánh mới 16 tuổi, ông ra trung tâm Hà Nội và làm phụ bếp nấu ăn cho một cửa hàng ảnh của người Hoa tên Du Trương trên phố Hàng Bồ. Ra Hà Nội làm giúp việc, nhưng Nguyễn Đình Khánh lại tỏ ra say mê với nhiếp ảnh. Nhận thấy lòng say nghề và khéo léo ở ông, chủ hiệu ảnh đã dạy nghề cho Khánh. Chỉ 2 năm sau, ông trở thành một tay nghề nhiếp ảnh đáng chú ý ở Hà Nội, thậm chí là nổi bật hơn cả người chủ.[1] Ông cũng đã mở hiệu ảnh Khánh Ký tại phố Hàng Da. Với vốn kinh nghiệm của mình, thương hiệu Khánh Ký đã nhanh chóng nổi tiếng và là nơi đào tạo ra đội ngũ những người thợ ảnh đầu tiên của làng Lai Xá.[2] Ông từng đến Pháp để kinh doanh hiệu ảnh và chụp ảnh Hồ Chí Minh trong nhiều năm.[3]

Nghề nhiếp ảnh của Lai Xá còn gắn liền với Đặng Huy Trứ, là người đầu tiên du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam. Cả ông và Nguyễn Đình Khánh đều là người làng Lai Xá nhưng Nguyễn Đình Khánh mới chính là ông tổ của làng nghề nhiếp ảnh.[4]

Phát triển

Sau Nguyễn Đình Khánh, người làng Lai Xá đã truyền nhau bí quyết làm nghề từ kỹ thuật chụp, rửa ảnh cho đến chỉnh ảnh thế.[1] Năm 1892, nhiều nam thanh niên làng Lai theo nhau lên phố Hàng Da học nghề tại hiệu ảnh đầu tiên của Nguyễn Khánh Ký mở. Khi đã thạo nghề, ông còn bố trí cho việc làm kiếm ăn. Không ít học trò đã tự mở được hiệu ảnh làm riêng.[5] Do đó về sau, dân làng đã đề nghị và được chấp thuận lấy năm 1892 là năm ra đời của Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá.[6] Những năm đầu thế kỷ 20, thợ ảnh Lai Xá đều dùng các máy ảnh gỗ chụp bằng phim kính của hãng Lumière nhập từ Pháp. Phim kính có kích cỡ từ 4x6 đến 18x24. Thời điểm này cũng chưa có công nghệ ảnh màu, khách hàng có nhu cầu làm ảnh màu thì thợ ngoài buồng sáng sẽ dùng bút lông, chấm vào nước sau đó chấm vào màu giấy (tờ giấy nhuộm màu) và tô lên ảnh.[7]

Khoảng thập niên 40 và 50 của thế kỉ 20 được xem là thời kì hoàng kim trong sự phát triển của làng nghề Lai Xá. Có gần 2.000 người trong làng làm trong hơn 150 hiệu ảnh trong và ngoài Việt Nam. Riêng tại Hà Nội có 33 cửa hiệu, Sài Gòn có 34 cửa hiệu, Hải Phòng có 13 cửa hiệu. Tại nhiều tỉnh từ trong Nam, ngoài Bắc, hay miền núi đều có cửa hiệu ảnh người Lai Xá.[2] Thậm chí, có giai đoạn theo thống kê, tới 80% số hiệu ảnh ở Sài Gòn là do người Lai Xá làm chủ.[8] Không tính các hiệu ảnh của ông Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký) ban đầu, đã có khoảng 32 hiệu ảnh của người Lai Xá mở tại Sài Gòn từ thập niên 1930 – 1940. Và hiện vẫn còn hoạt động 9 hiệu ảnh thống kế được trong năm 2016.[9]

Thế kỷ 21

Đầu năm 2000, làng Lai Xá đã tổ chức một cuộc triển lãm mang tên “Làng nghề nhiếp ảnh truyền thống Lai Xá” trưng bày hàng trăm bức ảnh của các nghệ nhân làng. Triển lãm đã thu hút được hàng nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, nhất là giới nhiếp ảnh trong cả Việt Nam. Đây là bước khởi đầu cho việc lập ra một Ban thường trực Hội làng nghề.[2] Năm 2005, Triển lãm ảnh của làng Lai Xá được mở tại số 45 phố Tràng Tiền với hình ảnh lưu giữ lịch sử hơn trăm năm của làng nghề. Những người dân Lai Xá coi tài nhiếp ảnh của mình như là "gen", từ đời trước để lại.[1] Tháng 8 năm 2010, làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá được kết nạp vào Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.[10]

Người làng Lai Xá mở hiệu ảnh kinh doanh ở khắp mọi nơi, tên cửa hiệu của họ thường mang thêm chữ "Lai" hoặc chữ "Ký" như là sự ghi dấu về quê hương và vị tổ nghề của mình.[11] Nơi đây có số lượng hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nhiều hơn so với các làng khác.[5] Cho dù vậy, việc theo kịp xu hướng vẫn là điều tất yếu. Nhiều người trẻ theo nghề của làng Lai Xá không chỉ kế thừa tiền bối đi khắp các vùng, miền chụp ảnh theo kinh nghiệm truyền thống mà còn tự khám phá và tham gia những khóa học ngắn hạn về xu hướng nhiếp ảnh hiện đại, đầu tư thiết bị, công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại.[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nghề nhiếp ảnh Lai Xá //www.worldcat.org/oclc/60590495 http://sovhtt.hanoi.gov.vn/lang-nhiep-anh-lai-xa-c... https://vnexpress.net/lang-nhiep-anh-lai-xa-188322... https://web.archive.org/web/20191010114229/http://... https://web.archive.org/web/20220524211848/https:/... https://web.archive.org/web/20220926041829/https:/... https://web.archive.org/web/20221108032324/https:/... https://web.archive.org/web/20230421131752/https:/... https://www.worldcat.org/title/60590495 https://www.anninhthudo.vn/post-506731.antd